Bạn đọc thân mến!
Nhân dịp kỉ niệm chào mừng ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 và ngày thành lập đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh 26/3 thư viện trường THCS Liên Mạc xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách “Nhật kí Đặng Thùy Trâm”.
Hẳn là các bạn đã từng một lần nghe qua cái tên Đặng Thùy Trâm.Nhật kí Đặng Thùy Trâm là một quyển sách hay và bổ ích đối với chúng ta. Nó không phải là sách lịch sử với những trang lịch sử khô khan ghi lại những sự kiện trọng đại của quốc gia, dân tộc hay là một quyển sách đạo đức viết ra để hàng ngàn người đọc mà nó là chỉ một quyển nhật kí-Nhật kí của một cô gái trẻ. Người con gái ấy đã ghi chép chân thật về tình cảm, suy nghĩ, cuộc sống và công việc. Chính vì cuốn sách, cuốn nhật kí viết cho riêng mình mà cuộc sống và suy nghĩ của người ghi chép hết sức chân thành. Có những điều thật bình dị trong cuộc sống cứ thế hiện lên thật nhẹ nhàng mà sâu lắng. Đó là nỗi nhớ gia đình, nhớ những người thân yêu trong xa cách, đó là những nghĩ suy của một cán bộ trẻ làm thế nào vượt qua được mọi khó khăn gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ; đó là lí trí để vượt lên thứ tình cảm cá nhân nhỏ bé,đó là sự chiêm nghiệm … Và không thể không kể đến hiện thực của cuộc chiến ở một địa phương, cũng là tình hình chung của miền Nam thân yêu trong những ngày tháng ấy. Các em có biết công việc của một người bác sĩ chiến trường là công việc như thế nào không?Đấy là công việc của một bác sĩ cũng là công việc của một chiến sĩ - Chiến sĩ đánh giặc. Còn người bác sĩ ấy vừa cứa người, vừa đánh giặc.Đọctừng trang nhật kí Đặng Thuỳ Trâm, ta thấy khâm phục và ngưỡng mộ người con gái xuất thân trong một gia đình tri thức Hà Thành. Cô tự thấy mình là “một người khó tính, bướng bỉnh, giàu mơ ước yêu thương”.
Các em thử hình dung xem, lúc ấy Đặng Thuỳ Trâm đã mơ ước điều gì không?Một người chiến sĩ chiến đấu trong thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước, cô ấy sẽ mong điều gì nhất?Mơ ước của bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm là “đánh thắnggiặc Mĩ, là độc lập, là tự do của đất nước”. Đây là không chỉ là ước mơ của một con người cụ thể mà nó còn là ước mơ chung của dân tộc Việt Nam.
Sống và làm việc trong những năm tháng chiến tranh ác liệt ấy, có những lúc Thùy cũng cảm thấy mệt mỏi, chán nản nhưng nó chỉ “như cơn giông mùa hạ” thoáng qua. Và Thuỳ Trâm đã tự động viên, an ủi mình “Hãy vui đi, hãy giữ trọn trong lòng niềm mơ ước và để màu xanh của tuổi trẻ ngời rạng mãi trong đôi mắt và nụ cười”. Qua những dòng tâm sự này, ta thấy Thuỳ là một chiến sĩ cộng sản kiên cường, một đảng viên khiêm tốn, có ý chí, có nghị lực, đáng khâm phục biết bao!
Sách do nhà xuất bản Nhã Nam, Hội nhà văn phát hành.Hình thức bên ngoài của cuốn sách được trang trí hài hòa, đẹp và ấn tượng với 3 màu chủ đạo là trắng, đen và xanh.Đó là màu đen trắng của bức chân dung Đặng Thuỳ Trâm lúc trẻ. Sau bức chân dung là hình ảnh những trang giấy ngả vàng đã bị cháy và những cây dừa… Nó là biểu tượng cho niềm Nam, cho nhân dân niềm Nam kiên cường, bất khuất trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Thật là sâu sắc biết bao khi những hình ảnh ấy đã thể hiện được nội dung khái quát của sách! Ngoài nội dung 2 quyển nhật kí, lời dẫn của Đặng Kim Trâm,lời giới thiệu của Vương Trí Nhàn, thì sách còn có phụ lục ảnh do gia đình cung cấp.
Sách có khổ 13x20,5cm với số cá biệt 000354 và được xếp ở kho tham khảo ngữ văn trong thư viện.
Qua cuốn nhật kí hi vọng rằng nó sẽ mang lại cho bạn đọc nhiều thông tin thú vị và bổ ích.
Để hiểu hơn về cuộc chiến thần thánh của dân tộc Việt Nam qua trang nhật kí, qua những dòng tâm sự chân thành của một cô gái- một bác sĩ thời chiến, kính mời quí thầy cô và các em học sinh đến đọc tại thư viện nhà trường!